Trở lại văn phòng sau giãn cách có khiến bạn ngán ngẩm? | Vietcetera
Billboard banner

Trở lại văn phòng sau giãn cách có khiến bạn ngán ngẩm?

Sau khi quãng thời gian work from home kết thúc, khái niệm "nơi làm việc" đối với mọi người đã không còn như trước.
Trở lại văn phòng sau giãn cách có khiến bạn ngán ngẩm?

Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Một khảo sát về mong muốn làm việc trong năm 2022 trên LinkedIn với 162.700 lượt phản hồi đã cho kết quả như sau:

  • 55% người muốn được tự do lựa chọn khi nào sẽ đến văn phòng
  • 25% người muốn làm việc từ xa toàn thời gian
  • 16,5% người muốn rằng thời gian tại văn phòng và từ xa là 50/50
  • 5% người muốn trở lại văn phòng toàn thời gian

Dù khảo sát này không mang tính phổ quát nhưng nó phần nào phản ánh được sự chuyển dịch trong định nghĩa của mọi người về “nơi làm việc”.

Ở góc độ cá nhân, dù rất thích gặp đồng nghiệp và may mắn được làm việc tại một văn phòng ổn áp, tôi vẫn thấy mình ngại đến công ty hẳn sau đợt giãn cách vừa qua. Và trong quá trình nghiên cứu cho bài viết này tôi nhận ra số người “ngại” đông hơn mình tưởng.

Vậy điều gì đã tạo nên tâm lý này?

Lo ngại về khả năng lây nhiễm

Khả năng mắc COVID-19 sau khi đã tiêm đủ hai mũi là có. Theo báo cáo của Bệnh viện Quận 11, trong giai đoạn dịch bùng phát vừa qua, mặc dù đội ngũ nhân viên y tế đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn chiếm 27,5% trên tổng số 476 nhân viên tham gia chống dịch.

Trở lại văn phòng, chúng ta đều biết đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao và dù cố gắng, chúng ta không thể nào đảm bảo tiêu chuẩn 5K suốt 8 tiếng chạm mặt được.

Văn phòng nơi "người ra kẻ vào" tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh đó, nếu mắc COVID-19 ngay cả khi không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chúng ta vẫn có khả năng trở thành nguồn lây cho người khác. Điều này đặc biệt gây lo lắng cho những người có sức đề kháng kém hoặc sống cùng người lớn tuổi, trẻ nhỏ hay người mắc bệnh nền. Vì thế cũng dễ hiểu nếu bạn không muốn đến văn phòng nhằm bảo vệ gia đình mình.

Work from home thật sự “work”: Điều này cuối cùng đã được xác nhận

Thực chất nhờ vào chuyển đổi số, work from home vốn đã là dự định ấp ủ của nhiều công ty. Theo thống kê của Global Workplace Analytics, các công ty có thể tiết kiệm 11.000 USD/năm cho mỗi nhân viên làm việc từ xa hoặc bán thời gian (số liệu tại Mỹ).

Ở Việt Nam, các công ty với số lượng nhân sự tăng nhanh và gặp áp lực về sức chứa cũng có thể hưởng lợi từ việc cho phép một số bộ phận làm việc từ xa.

Tuy nhiên, bởi mối quan ngại mang tên “năng suất lao động” nên dự định mãi cứ là dự định… cho đến khi đại dịch quét qua.

Lúc này, work from home không còn là kế hoạch “đáng để cân nhắc” nữa mà đã chuyển sang “bắt buộc phải triển khai”. Cũng từ đây, cả doanh nghiệp và người lao động đã nhận ra rằng không nhất thiết phải mang laptop lên văn phòng thì mới làm được việc, đặc biệt là tại các công ty đón đầu chuyển đổi số như ở lĩnh vực công nghệ và truyền thông.

Twitter - sau khi nhận ra rằng năng suất lao động không hề suy giảm - đã cho phép nhân viên được chọn làm tại nhà vĩnh viễn kể cả sau khi COVID-19 kết thúc. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Facebook, Google và Microsoft.

Chuyển đổi số, sự phát triển của các ứng dụng liên lạc, deadline, KPI và đại dịch đã khiến work from home trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, các ứng dụng liên lạc cũng liên tục cập nhật để khiến work from home trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Chẳng hạn như Slack, ứng dụng liên lạc dành cho nội bộ công ty, đã nhanh chóng ra đời tính năng “huddles” trong đợt dịch cho phép người dùng tạo các cuộc gọi ngẫu hứng trong tin nhắn. Về cơ bản, tính năng này mô phỏng những cuộc trò chuyện nhanh ở văn phòng để nắm thông tin, bởi không phải lúc nào bạn cũng cần một cuộc họp kéo dài 1-2 tiếng (điều đã được Google Meet và Zoom hỗ trợ).

Và đương nhiên không thể không kể đến KPI, deadline lẫn các chính sách thưởng-phạt để đảm bảo rằng dù bạn có ở bên kia bán cầu vẫn không thể lơ là.

Nếu cả chủ lao động và người lao động đều biết những điều trên thì vì sao lại phải đến văn phòng?

Người lao động không muốn từ bỏ những lợi ích có được nhờ làm việc từ xa

Những tháng ngày work from home đã giúp người lao động nhận ra những giá trị thực tiễn của việc này đến mức họ không sẵn sàng từ bỏ nó, chí ít là không phải từ bỏ hoàn toàn. Điều này bao gồm:

  • Tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển mỗi ngày. Thay vào đó họ có thể tận dụng để tập thể thao, làm việc nhà, chăm sóc bố mẹ/con cái, thậm chí là chợp mắt thêm đôi chút.

  • Đối với những công việc đặc thù như designer, writer, blogger, được thay đổi không gian làm việc cũng giúp giảm bớt sự sao nhãng cũng như tăng khả năng sáng tạo.

  • Được miễn trừ khỏi những giao tiếp hoặc các hoạt động công sở mà không phải lúc nào họ cũng muốn tham gia, đặc biệt với những người mà kỹ năng giao thiệp vốn không phải điểm mạnh.

  • Người lao động có thể chọn làm việc và giải lao vào những khung giờ mà họ thấy thoải mái cũng như sắp xếp thời gian để học thêm kỹ năng mới, nhận thêm công việc freelance,...

Dịch bệnh thay đổi sự ưu tiên của mỗi người

Trước đại dịch, nhiều người lao động đã nhận ra sự mất cân bằng trong công việc và đời sống cá nhân nhưng vẫn chưa thể làm gì để thay đổi tình trạng này.

Quãng thời gian làm việc từ xa đã trao cho họ sự chủ động trong việc điều phối thời gian và năng lượng vào bản thân, gia đình lẫn các mối quan hệ xã hội khác. Những điều có ảnh hưởng không những đến sức khỏe, đời sống tinh thần mà còn là đến công việc của họ.

Thời gian work from home khiến người lao động nhận ra đâu là điều quan trọng.

Đây là lúc mà họ đặt ra câu hỏi: liệu công việc sẽ giúp cải thiện những khía cạnh còn lại của cuộc sống hay là ở chiều ngược lại?

Làm việc từ xa đã mở ra khả năng mà công việc và đời sống cá nhân có thể cùng tồn tại một cách hòa bình. Hay nói cách khác đó là một “work-life balance” mà trước giờ chúng ta từng khao khát. Có lẽ đây là lý do mà xu hướng “workcation” (kết hợp giữa làm việc và du lịch) được dự đoán sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho du lịch sau đại dịch.

Kết

Với những lý do kể trên, “được làm việc từ xa” có lẽ sẽ trở thành một phần trong mô tả công việc nhằm thu hút người lao động trong tương lai. Đặc biệt là lao động trẻ - những người đã gia nhập văn hóa work from home từ những ngày đầu sự nghiệp.

Đại dịch chính là cú hích đẩy nhanh tiến trình khi mà không gian lẫn thời gian làm việc không còn hạn chế.