Trầm cảm – Cuộc chiến trường kỳ với cảm xúc tiêu cực | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 03, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Trầm cảm – Cuộc chiến trường kỳ với cảm xúc tiêu cực

Trầm cảm đang dần được mọi người biết đến và ghi nhận nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu lầm xung quanh căn bệnh tâm lý này.
Trầm cảm – Cuộc chiến trường kỳ với cảm xúc tiêu cực

Đối với người trầm cảm, việc chiến đấu với cảm xúc tiêu cực là cả một quá trình mệt mỏi. | Minh họa bởi @muonbietdoichut

Bài viết dưới đây chỉ với mục đích cung cấp thông tin. Không nên tự chẩn đoán mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hay chuyên gia tâm lý.

Trầm cảm là gì?

Theo định nghĩa của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), trầm cảm (depression) là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ, làm việc và sinh hoạt hàng ngày.

Các triệu chứng phổ biến của trầm cảm bao gồm: tâm trạng buồn bã kéo dài từ 2 tuần trở lên, lòng tự tôn thấp, mất hứng thú với các hoạt động vốn yêu thích, uể oải, đau không rõ nguyên nhân. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, trầm cảm có thể dẫn đến hành vi ngược đãi bản thân hoặc tự sát.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh phức tạp mà cho đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Theo chuyên trang WebMD, các chuyên gia đã tìm ra một số yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc trầm cảm và phân chúng làm 4 nhóm chính:

Nhân khẩu học

  • Yếu tố di truyền: Nguy cơ trầm cảm sẽ cao hơn nếu có tiền sử người thân trong gia đình mắc bệnh này.
  • Giới tính: Theo một khảo sát năm 2017 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Nguyên nhân có thể do khác biệt hormone và kỳ vọng xã hội mỗi giới phải đối mặt.
  • Tuổi tác: Người cao tuổi dễ bị trầm cảm hơn người trẻ, đặc biệt nếu họ sống một mình hoặc thiếu đi hệ thống hỗ trợ cần thiết.
  • Yếu tố sinh học: Hồi hải mã (hippocampus) là nơi sản sinh serotonin để điều hòa cảm xúc. Do đó theo một số nghiên cứu, người có hồi hải mã nhỏ hơn có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

Yếu tố hoàn cảnh

  • Bị ngược đãi về thể chất, tình cảm hoặc tình dục.
  • Mâu thuẫn với người khác, đặc biệt nếu kết quả dẫn đến sự kết thúc một mối quan hệ (chia tay, ly hôn…).
  • Thay đổi lớn trong cuộc sống: Di chuyển chỗ ở, tốt nghiệp đại học, kết hôn, sinh con, nghỉ hưu…đều có thể gây ra những biến động nhất định về tinh thần, nhiều khi dẫn đến trầm cảm.
  • Người thân qua đời, đặc biệt nếu ra đi đột ngột và bạn chưa được chuẩn bị về tinh thần.
  • Các khủng hoảng ngoài dự kiến, chẳng hạn cách ly xã hội do dịch COVID-19.
29mar2022depressionintext2jpg
Những biến cố và khủng hoảng trong cuộc đời đều có thể dẫn đến trầm cảm.

Yếu tố thể chất

Trầm cảm có thể xuất hiện ở người mắc các bệnh mãn tính hoặc nan y, đặc biệt khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Một số bệnh lý có tỉ lệ xảy ra trầm cảm cao bao gồm: Nhồi máu cơ tim (40-65%), Parkinson (40%), đột quỵ (27%), động mạch vành (18-20%), ung thư và tiểu đường (đều 25%).

Các loại thuốc và chất kích thích

Một số loại thuốc như thuốc trị mụn isotretinoin hoặc corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Việc lạm dụng ma túy, rượu bia đôi khi cũng được xếp vào nhóm yếu tố này.

Các loại trầm cảm và dấu hiệu nhận biết

Trầm cảm không phải là một bệnh lý đơn. Có nhiều loại trầm cảm khác nhau, xuất hiện xuyên suốt hoặc theo từng thời điểm. Một số dạng trầm cảm thường gặp có thể kể đến:

Rối loạn trầm cảm mạnh (major depressive disorder)

Đây là dạng trầm cảm phổ biến nhất. Có người trải qua một chu kỳ trầm cảm mạnh rồi hết, nhưng cũng có người bị kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng không dứt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Cảm giác u ám, đau buồn xuyên suốt.
  • Người lúc nào cũng uể oải, thiếu năng lượng.
  • Ăn, ngủ quá ít hoặc quá nhiều.
  • Đau, co thắt không rõ nguyên nhân.
  • Mất hứng thú với những hoạt động bản thân từng yêu thích.
  • Mất tập trung, trí nhớ kém, không thể tự mình ra quyết định.
  • Luôn lo lắng, sợ hãi, nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất.
  • Cảm thấy bản thân vô dụng, tương lai vô vọng.
  • Có ý nghĩ ngược đãi bản thân hoặc tự tử.
  • Loạn thần (psychosis) - trạng thái không phân biệt được giữa ảo giác và thực tế.
29mar2022depressionintext1jpg
Một số bệnh nhân trầm cảm có thể rơi vào trạng thái loạn thần, không phân biệt được ảo giác và thực tế.

Trầm cảm dai dẳng (persistent depression)

Còn gọi là trầm cảm mãn tính, thường kéo dài 2 năm hoặc lâu hơn. Các biểu hiện không dữ dội như trầm cảm mạnh, song vẫn làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống:

  • Lòng tự tôn thấp, hoặc cảm giác kém cỏi so với người khác.
  • Giảm đam mê với những hoạt động bản thân từng yêu thích.
  • Vị giác và giấc ngủ không ổn định.
  • Gặp nhiều vấn đề trong học tập và công việc, trí nhớ và tập trung kém.
  • Không cảm thấy vui vẻ, dù trong những sự kiện tích cực.
  • Xa lánh xã hội, tự cô lập chính mình.

Hưng trầm cảm (manic depression)

Đây chính là tên gọi khác của chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Người bệnh có các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn hưng phấn bất thường. Vì vậy họ dễ bị hiểu lầm là làm việc tùy hứng, lười biếng hoặc nhút nhát.

Trầm cảm trước/sau sinh (peripartum/postpartum depression)

Trầm cảm trước sinh thường xuất hiện ở tuần thai thứ 4, có thể kéo dài đến hết tuần 12 hoặc xuyên suốt thai kỳ. Trầm cảm sau sinh xảy ra sau khi đứa trẻ ra đời.

Nguyên nhân được cho là sự thay đổi hormone và những bất tiện trong quá trình mang thai và sinh nở như ốm nghén hay thiếu ngủ. Trầm cảm trước/sau sinh có biểu hiện tương tự trầm cảm mạnh, nhưng có thêm các triệu chứng sau:

  • Cáu giận, tâm trạng thay đổi thất thường.
  • Lo lắng thái quá về sự an toàn của em bé.
  • Gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân và em bé.
  • Ý nghĩ ngược đãi bản thân và em bé.
29mar2022depressionintext3jpg
Có đến 80% bà bầu gặp các triệu chứng của trầm cảm trước và sau sinh.

Trầm cảm theo mùa (seasonal depression)

Đây là chứng trầm cảm xảy ra theo chu kỳ mùa nhất định. Nó phổ biến vào mùa thu và đông khi ngày ngắn dần và đêm dài lên, ánh nắng giảm xuống ảnh hưởng đến cảm xúc con người. Thời tiết lạnh khiến con người ít ra ngoài cũng dễ gây các biểu hiện như:

  • Xa lánh xã hội
  • Ăn/ngủ nhiều hơn, tăng cân
  • Cảm giác buồn bã, vô vọng, chán nản hàng ngày

Các triệu chứng này sẽ biến mất dần khi trời sang xuân. Ở thái cực ngược lại, trầm cảm cũng có thể xảy ra vào mùa hè do cảm giác nóng ẩm khó chịu, hoặc do những lo âu liên quan đến vóc dáng cơ thể.

Trầm cảm tình huống (situational depression)

Đây là kiểu trầm cảm xảy ra trong những tình huống tiêu cực như: người thân qua đời, mắc bệnh nặng, gặp phải khủng hoảng tài chính, ly hôn, kiện tụng…Trầm cảm tình huống có biểu hiện tương tự trầm cảm mạnh, nhưng chỉ diễn ra trong quá trình khủng hoảng.

Phân biệt trầm cảm với nỗi buồn thông thường

Chìa khóa để phân biệt hai hiện tượng này là thời gian diễn ra và cường độ triệu chứng.

Buồn bã là phản ứng cảm xúc bình thường trước sự thất vọng, mất mát hoặc các vấn đề khác trong cuộc sống. Nỗi buồn thường biến mất khi có sự kiện tích cực, hoặc bạn tự vượt qua được nó và tiếp tục cuộc sống thường ngày.

29mar2022depressionintext4jpg
Nếu nỗi buồn kéo dài trên 2 tuần và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm.

Tuy nhiên nếu cảm giác u buồn kéo dài từ 2 tuần trở lên và không có dấu hiệu chấm dứt, đó có thể là dấu hiệu trầm cảm. Đặc biệt khi nó dẫn đến các vấn đề thể chất ảnh hưởng nặng đến cuộc sống hàng ngày, thậm chí khiến những việc đơn giản như đánh răng, tắm rửa…cũng trở nên rất khó khăn. Nếu không có sự can thiệp của y học, rất khó để người trầm cảm có thể quay lại cuộc sống bình thường.

Kết

Đối với người bị trầm cảm, việc chiến đấu với cảm xúc tiêu cực là cả một quá trình mệt mỏi, đau đớn không thua kém gì bệnh lý về thể chất. Vì vậy ngoài các biện pháp trị liệu chuyên nghiệp, điều họ cần nhất là sự thông cảm và thấu hiểu từ những người xung quanh.

Nếu có người thân hoặc bạn bè bị trầm cảm, điều quan trọng là bạn nên giúp đỡ hoặc lắng nghe từ thật tâm chứ không phải từ lòng thương hại hay tội nghiệp. Như vậy sẽ giúp họ tránh được cảm giác vô dụng và mặc cảm.