Tại sao tập đoàn bất động sản Evergrande ôm nợ? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao tập đoàn bất động sản Evergrande ôm nợ?

Tại sao từ một tập đoàn bất động sản giàu thứ 2 Trung Quốc, Evergrande lại vỡ nợ? Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Tại sao tập đoàn bất động sản Evergrande ôm nợ?

Nguồn: Foreign Policy

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Evergrande (Tập đoàn Hằng Đại) đang là tiêu điểm bàn luận của thị trường tài chính những ngày vừa qua. Công ty bất động sản này đang ôm một quả bom nợ nổ chậm có giá trị lên tới 305 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng khủng hoảng Evergrande sẽ dẫn tới một chuỗi rủi ro kinh tế cho hệ thống tài chính Trung Quốc.

2. Evergrande là công ty gì?

Nổi lên từ làn sóng phát triển đô thị hóa, đẩy mạnh bất động sản của Trung Quốc những năm 2000, Evergrande nhanh chóng trở thành tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ 2. Số vốn của công ty này chiếm tới hơn 209 tỷ USD, tương đương với 2% GDP Trung Quốc. (Nguồn: vietnambiz.vn)

Không dừng lại ở đó, người sáng lập tập đoàn này, ông Hứa Gia Ấn còn đầu tư vào nhiều thị trường khác như xe điện, bóng đá, truyền thông,... Đây cũng là công ty sở hữu đội bóng lớn nhất Trung Quốc - Quảng Châu FC.

3. Evergrande giàu lên như thế nào?

Evergrande hiện tại đang có hơn 1.300 dự án dang dở trên hơn 280 thành phố. Đặc điểm của một dự án bất động sản là nó tốn một khoản thời gian dài để có thể thu lại lợi nhuận ngay. Ngoài ra, tập đoàn này còn phải "giam" một khoản tiền nhằm phục vụ cho việc xây dựng và triển khai dự án.

Vậy nên để có tiền tiếp tục phát triển, tập đoàn phải vay nợ một cách bất chấp. Điều này biến Evergrande trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Nhưng đồng thời cũng giúp ông Hứa Gia Ân bước chân vào tầng lớp tinh hoa và lọt top người giàu của Fortune.

Nguồn tiền đóng góp vào mức độ tăng trưởng của Evergrande thực chất tới từ các khoản nợ | Nguồn: Citi Research

Nhà đầu tư Michael Burry vừa qua cũng đã chia sẻ một bài đăng viral trên twitter nhận tới 16.300 tương tác phân tích về Evergrande. Bài đăng này đã chỉ ra rằng công ty này kiếm tiền bằng cách đẩy giá trị bất động sản của mình lên cao. Gánh nặng và rủi ro đổ lại lên vai những người mua nhà và những ngân hàng đã cho vay tiền.

4. Thị trường bất động sản của Trung Quốc như thế nào?

Người Trung Quốc ám ảnh với chuyện sở hữu nhà cửa. Hiện tại ở Trung Quốc 87% những người mua nhà đều đang sở hữu sẵn bất động sản. Họ dùng nó như một tài sản để đầu tư thay vì mua để ở. Đây chính là hệ quả của việc nhà nước thúc đẩy sở hữu bất động sản như một hình thức đầu tư an toàn vào khoảng năm 2008 bằng cách hỗ trợ vay nợ.

Những thành phố ma liên tục được mọc lên nhưng không có ai ở mà chỉ phục vụ cho mục đích đẩy giá và sang tay. Các thành phố ma vốn được xây dựng từ tiền nợ lại không tạo ra được doanh thu hay đóng góp được vào GDP.

Thành phố ma của Evergrande | Nguồn: chinaghostcities

Trong khi đó, người mua nhà lại tiếp tục bất chấp vay tiền mua từ ngân hàng và thế chấp bằng đất đai. Mọi thứ vẫn sẽ ổn thỏa cho tới khi thị trường bất động sản đóng băng hay chính phủ quyết định siết chặt vay nợ. Điều này khiến thị trường nhà đất rơi vào một tình thế bấp bênh, tạo ra bong bóng bất động sản cho Trung Quốc.

5. Chính sách để kìm hãm ngành bất động sản là gì?

Các vấn đề của Evergrande bắt nguồn từ những hạn chế mới đối với mua bán nhà. Lúc này, Bắc Kinh đang cố gắng điều chỉnh giá bất động sản và giải quyết dư thừa của ngành này. Cụ thể, Bắc Kinh đã đưa ra chính sách “3 lằn ranh đỏ" nhằm giới hạn các công ty vay nợ để xây nhà dự án.

Hiện tại, tập đoàn này đã vi phạm cả 3 giới hạn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Việc không đáp ứng được các yêu cầu tài chính của lằn ranh đó sẽ khiến các nhà phát triển bị hạn chế hoặc thậm chí cấm vay vốn.

Có thể nói, đã qua rồi ngày chính phủ mở cửa tạo điều kiện cho các công ty bất động sản phát triển. Chính sách siết chặt vay nợ khiến Evergrande gần như trở tay không kịp dẫn tới khả năng vỡ nợ của tập đoàn này.

6. Chuyện gì xảy ra nếu công ty này vỡ nợ?

Evergrande nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới các ngành khác như nhà cung ứng vật liệu, công ty xây dựng cà cả tới các công ty tài chính, ngân hàng và cả nhà đầu tư. Bất động sản hiện đang chiếm 15% thị trường tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo PolyMatter, nếu thêm cả các ngành hàng có liên hệ với thị trường này tỷ lệ sẽ tăng lên tới 30%.

Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ Trung Quốc vẫn chần chừ trong việc có nên cứu trợ hay không. Theo Bloomberg, chính phủ có lẽ sẽ để Evergrande đổ vỡ nếu có thể để cho lĩnh vực bất động sản cân bằng lại. Nhất là khi hành động giúp đỡ sẽ khiến chính phủ như đang dung túng cho kiểu vay nợ liều lĩnh.

Các nhà đầu tư tập trung trước Evergrande đòi tiền | Nguồn: aljazeera

Forbes đã so sánh Evergrande như một hình thức đa cấp khi sử dụng tiền của người mua nhà và nhà đầu tư sau trả cho người trước. Điều này làm gia tăng số người bị ảnh hưởng khi hệ thống sụp đổ, khiến nó trở nên nguy hiểm hơn trong mắt chính phủ Trung Quốc.

Để giải quyết quả bom nợ này, khả năng cao chính phủ sẽ đứng ra tái cơ cấu lại hoàn toàn hệ thống. Trong quá khứ điều tương tự đã xảy ra với các tập đoàn như Kaisa, Dalian Wanda và HNA Group.

7. Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Theo quan điểm cá nhân của ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên đại học Bristol Anh, vẫn chưa có sự liên hệ nào rõ ràng nào giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, ông cũng liệt kê ra 3 lý do:

  • Chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Trung Quốc khác với Việt Nam;

  • Thị trường Bất động sản ở Việt Nam không bị thúc đẩy mạnh bởi các nhà đầu tư như Trung Quốc;

  • Mối liên hệ giữa hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản tại Việt Nam khá chặt chẽ. Chính phủ cũng có những sự linh hoạt trong vấn đề giải cứu/không giải cứu doanh nghiệp và thị trường.

Vậy nên, ông Tuấn tạm kết luận rằng lúc này quá sớm để liên hệ các công ty ở Việt Nam với câu chuyện Evergrande. Ngoài ra ông Tuấn cũng cho rằng chỉ có các công ty Mỹ có liên hệ với Trung Quốc mới bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chủ yếu cũng chỉ là sụt giảm lợi nhuận chứ không dẫn đến đổ vỡ thị trường tài chính.

Hiện nay nhiều ngân hàng và công ty bất động sản ở Việt Nam vẫn đang chạy đua, phát hành trái phiếu ồ ạt trên thị trường mà không nhìn lại khả năng trả nợ. Theo như VTV, bom nợ Evergrande có thể là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại để không đi vào vết xe đổ của tập đoàn này.