"Món nợ mãi chưa trả được là khoản vay bố mẹ học Thạc Sĩ" | Vietcetera
Billboard banner

"Món nợ mãi chưa trả được là khoản vay bố mẹ học Thạc Sĩ"

Tầm quan trọng của việc tiết kiệm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu tài chính của bạn và bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc sống.
"Món nợ mãi chưa trả được là khoản vay bố mẹ học Thạc Sĩ"

Nguồn: An Trương

Nếu đã từng xem podcast The Money Date của Vietcetera, hẳn bạn sẽ nhớ một gương mặt quen thuộc, người dẫn dắt các khách mời, gợi mở những câu chuyện một cách khéo léo và thú vị - host An Trương.

Sau khi lấy bằng Thạc sĩ tại Mỹ, An Trương có cơ hội thử sức với lĩnh vực tài chính trước khi tham gia vào Vietcetera với vai trò sáng tạo nội dung.

Trong lần gặp gỡ này ở series The Money Date, host The Money Date cũng sẽ chia sẻ những góc nhìn cá nhân về lĩnh vực tài chính, cùng với đó là những khoản tiền đã chi tiêu và tiết kiệm.

1. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?

Câu hỏi này hơi khó trả lời vì mình không biết số tiền lương đó là bao nhiêu… Nếu như khoản lương cho công việc hiện tại của mình ở Vietcetera giống như khoản lương mà… Giám đốc một ngân hàng nào đó nhận được thì… chắc mình sẽ vẫn tiếp tục làm công việc hiện tại.

Thực ra câu hỏi lớn hơn hiện lên trong đầu mình đó là: “Mình có nên làm công ăn lương nữa không?” Tất nhiên là mình hiểu được sự quan trọng của việc có một khoản lương đều đặn hàng tháng, nhưng nó cũng đồng nghĩa với nhiều giới hạn, gò bó.

Mình không chê tiền đâu, nhưng thay vì chỉ đặt tiền lương lên bàn cân thì mình cũng sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố nữa như thời gian, sự tự do sáng tạo, những trải nghiệm mới, v.v.

2. Nếu như được quay về 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Tuổi 23 của mình sống theo phương châm "Tiền lương có mấy đâu nên đừng cố tiết kiệm, cứ tiêu thoải mái rồi sẽ có động lực kiếm tiền hơn." Nên nếu như được quay về, mình sẽ khuyên An năm đó sống thử theo một phương châm khác để có thể so sánh. Lần này mình thử tiết kiệm hơn.

alt
Nguồn: An Trương

Hàng tháng mình sẽ trích một khoản cố định cho vào tài khoản tiết kiệm, thay vì buông thả như hồi xưa không có mục tiêu tài chính rõ ràng. Chắc cuộc sống sẽ thay đổi nhiều lắm nhỉ? Chắc gì mình sẽ là An đang ngồi trả lời câu hỏi này ở đây? Có khi giờ đã là… tỉ phú.

3. Một món nợ mà bạn vẫn chưa trả được?

Đó là khoản tiền bố mẹ mình cho mình “vay" để học lấy thêm bằng Thạc Sĩ. Chắc bởi vì là nợ phụ huynh nên mình hơi chểnh mảng trong việc tất toán khoản vay này.

Bố mẹ ơi! Nếu bố mẹ có đang đọc bài viết này thì bố mẹ hãy yên tâm, con sẽ tập trung trả món nợ này ạ!

4. Một kiến thức mà bạn nghĩ trường học không dạy?

Kiến thức nào mình nghĩ cũng được dạy ở trường học, chỉ là bạn có quan tâm hoặc tìm đến cái kiến thức đó hay không thôi.

Còn theo mình, những thứ mà trường học không dạy nhiều khi sẽ là kỹ năng. Phần lớn những kỹ năng trong công việc từ trước đến giờ là mình đều phải tự học trong lúc làm việc. Có thể cũng bởi vì mình học ngành xã hội học nữa, nên cũng thiếu những kỹ năng thực tế hơn.

5. Thứ gì đắt tiền bạn đã mua mà thấy phí?

Phí nhất chắc là phí… quản lý của toà nhà chung cư mình ở hồi 2 năm trước. Về con số thì nó cũng không to tát gì, nhưng so với những gì mình nhận được từ chất lượng dịch vụ và tiện ích thì mình thấy không đáng tiền lắm.

6. Bạn đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình thế nào?

Cũng đã lâu lắm kể từ lúc mình nhận được tháng lương đầu tiên rồi, nên mình không nhớ chính xác là mình đã tiêu như thế nào. Một phần nào đó cũng lại là lý do hồi đó mình không có mục tiêu tài chính gì cụ thể nên nhiều khi tiêu gì cũng không nhớ. Chắc là ăn uống, đi chơi cùng gia đình và bạn bè thôi.

7. Việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?

Tầm quan trọng của việc tiết kiệm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu tài chính của bạn và bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc sống.

Đơn cử như mình đó, năm 23 tuổi khi mình không thực sự có một mục tiêu tài chính nào cụ thể thì mình không quan trọng việc tiết kiệm lắm vì mình lúc đó đang ở giai đoạn khám phá, tìm hiểu, mở rộng trải nghiệm và các mối quan hệ trong xã hội. Lúc đó, tiêu tiền đối với mình quan trọng hơn.

Nhưng bây giờ, khi mình biết rõ bản thân thực sự cần gì và có những mục tiêu tài chính cụ thể hơn (ví dụ: một năm phải đi du lịch mấy lần, năm sau dọn vào chỗ ở mới tốt hơn, trả nợ cho bố mẹ đều đặn hơn, v.v.) thì mình trân trọng việc tiết kiệm hơn. Cảm giác mỗi tháng cứ trích một khoản cố định cho vào tài khoản tiết kiệm nó đã lắm.

alt
Nguồn: An Trương

8. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, bạn có đồng ý với quan điểm này không?

Quan điểm này hơi oan cho tiền. Mình không nghĩ tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, mà có thể là công cụ cho mọi tội lỗi. Khi ta nhìn vào bản chất thật của tiền, nó chỉ là một phương tiện hay công cụ thanh toán dùng để trao đổi hàng hoá và dịch vụ giữa các cá thể trong xã hội.

Quay lại sâu hơn trong quá khứ thì thay vì là những tờ tiền hay đồng tiền, con người xa xưa đã dùng vỏ ốc làm tiền rồi. Nếu theo quan điểm trong câu hỏi thì… vỏ ốc có phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi không?

9. Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Thú thật mà nói là mình chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu. Ngay cả khi có người hỏi mình những câu như kiểu “Kế hoạch của bạn trong 5 năm tới là gì?”, mình còn không trả lời được thì huống chi việc nghỉ hưu.

Nghiêm túc hơn nữa thì mình cũng sợ cái hàm ý mà từ "nghỉ hưu" gợi lên – nó đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn rất lớn và nhiều ý nghĩa của đời người đó là giai đoạn chúng ta làm việc, chúng ta "lao động." Vậy sau đó chúng ta còn lại gì? Mình lại vốn là một đứa dễ bị cuồng chân cuồng tay nếu không có gì làm nữa.

Có lẽ ở thời điểm này, mình sẽ không trông chờ vào một thế giới hoàn hảo mà ở đó mình nghỉ hưu. Thay vào đó mình sẽ dành thời gian và nỗ lực để kiến tạo được một công việc hoàn hảo cho bản thân – một công việc cho mình tiền, thời gian, sức khoẻ, và niềm vui – để mình có thể làm lâu dài.

10. Nếu mai là tận thế, hôm nay bạn sẽ mua gì?

Mua vé máy bay cho tất cả các thành viên trong gia đình mình để cả nhà có thể ở cạnh nhau. Nếu đủ tiền thì mua hẳn vé thương gia luôn!