Làm sao để kiểm soát sự ái kỷ trong chính mình? | Vietcetera
Billboard banner

Làm sao để kiểm soát sự ái kỷ trong chính mình?

Theo Mark Manson, chúng ta đều có một chút ái kỷ trong chính mình. Vấn đề nằm ở chỗ phải kiểm soát ra sao để ái kỷ không trở thành “chế độ mặc định” của bạn.
Làm sao để kiểm soát sự ái kỷ trong chính mình?

Nguồn: Wilson Vitorino @ Pexels

Tiếp nối bài viết “Điều gì làm con người ta ái kỷ?”, dưới đây là phần 2 của bài viết “Narcissism: Where It Comes From and How to Deal With It”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Những rắc rối xung quanh tính ái kỷ

Trong khoảng 1-2 thập niên gần đây, văn hóa đương đại đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về khả năng xảy ra “đại dịch” ái kỷ. Điều này đặc biệt phổ biến ở lớp người trẻ tuổi.

Thực tế là xã hội nào cũng từng phải đối mặt với ái kỷ và vô số vấn đề liên quan đến nó. Theo một cách cực đoan, ái kỷ có mối liên hệ chặt chẽ với nghiện thuốc, nghiện rượu và một loạt chứng rối loạn nhân cách như rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn hung hăng thụ động.

Người ái kỷ vĩ đại cũng hay mắc chứng hoang tưởng và tính cách chống đối xã hội, trong khi người ái kỷ tổn thương dễ trầm cảm, lo âu và có xu hướng tự sát. Người ái kỷ vĩ đại cũng thường khao khát quyền lực, và nếu thực sự trở thành lãnh đạo, họ có thể tạo ra một môi trường khá độc hại cho những người đáng thương phải làm việc dưới trướng họ.

29jul2022adrilkudrijpg
Tính ái kỷ có liên quan mật thiết đến nhiều rối loạn tâm thần khác. | Nguồn: Unsplash

Và mặc dù hành vi bóc lột hay bị gắn với người ái kỷ vĩ đại, người ái kỷ tổn thương cũng không giỏi đồng cảm với người khác, thậm chí còn gây khó chịu không kém. Tệ hơn nữa, tính ái kỷ thường xuyên được gắn liền với bạo lực.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn tranh luận xung quanh vấn đề liệu tính ái kỷ có đang trở nên phổ biến hơn hay không, song tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề ngữ nghĩa. Ái kỷ là một đặc điểm tính cách, và cũng là một chứng rối loạn tâm thần. Dù ở khía cạnh nào, nó vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng bất kể ở thời Hy Lạp cổ đại, những năm 70 hay xã hội hiện đại.

Cách đối phó với người ái kỷ

Nguyên tắc đầu tiên: cố gắng tránh xa họ nếu có thể. Đừng cố gắng thuyết phục hay thay đổi tư duy của họ, bởi khả năng cao là bạn sẽ thất bại.

Về nguyên tắc thì như vậy, song thực tế sẽ có lúc bạn phải đối phó với họ. Quan trọng là bạn hiểu bản chất của vấn đề và từ từ tìm cách giải quyết.

Lẽ dĩ nhiên cách bạn đối phó với họ còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, chẳng hạn một người sếp ái kỷ sẽ khác một người cha/mẹ hoặc bạn trai ái kỷ. Kể cả trong cùng hoàn cảnh, thì mỗi cá thể cũng khác nhau, nên cách tiếp cận cũng không thể giống nhau.

Nhưng về cơ bản, “ranh giới” là từ khóa giúp bạn đối phó với người ái kỷ. Bạn cần quyết định mức độ bạn sẵn sàng tương tác với họ, cũng như điều bạn sẵn sàng nói/làm (hoặc không) với họ, và giữ vững nguyên tắc này xuyên suốt. Họ sẽ chẳng thể làm gì nếu bạn quyết tâm thực thi những ranh giới này.

Thật không may là đa số chúng ta khá tệ trong việc đặt ra ranh giới lành mạnh. Hệ quả là ta dễ bị cuốn vào những màn drama, và làm những việc ta không thực sự muốn làm.

08aug2023nadineshaabanamf3f8dgrgunsplashjpg
Biết nói “không” đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp bạn xây dựng những ranh giới lành mạnh. | Nguồn: Unsplash

Về bản chất, ranh giới lành mạnh hình thành khi bạn chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành vi của chính bạn, và KHÔNG chịu trách nhiệm cho cảm xúc hay hành vi của người khác.

Chẳng hạn một đồng nghiệp ái kỷ “ăn cắp” công lao của bạn trong dự án, và bạn đấu tranh tới cùng cho quyền lợi của mình thay vì thỏa hiệp với họ. Hoặc một người họ hàng ái kỷ vay tiền bạn lần thứ n với lý do gặp hạn, bạn quyết tâm từ chối. Hoặc người bạn trai tự ái cố thao túng tâm lý khiến bạn thấy tội lỗi chỉ vì đi làm về muộn, và bạn phản đối điều nhảm nhí đó.

Chung quy lại, nếu không thể tránh xa người ái kỷ, hãy dựng những ranh giới lành mạnh cho cuộc đời bạn, và giữ chúng cho thật vững.

Cách vượt qua tính ái kỷ của chính mình

Nguyên tắc trên giúp bạn đối phó với những người ái kỷ. Song nếu bạn thấy những đặc điểm ái kỷ ở chính mình, liệu chúng có còn hiệu nghiệm? Thử tự vấn những câu hỏi sau đây:

  1. Bạn có cảm giác người xung quanh không thể hiểu những vấn đề của mình?
  2. Bạn có thấy cuộc sống có quá nhiều rào cản mà bạn không kiểm soát được?
  3. Bạn có thường nhờ người khác giúp đỡ không?/ Bạn có cảm thấy rất ít người muốn giúp bạn hay không?
  4. Bạn có cảm thấy mình không nhận được sự quan tâm hoặc đánh giá cao mà mình xứng đáng?
  5. Có phải mọi người than phiền rằng bạn không lắng nghe họ, trong khi thực tế bạn cảm thấy điều ngược lại?
  6. Bạn có cảm thấy hầu như mọi người khác đều có cuộc sống “dễ thở” hơn mình?
  7. Bạn có thường xuyên cãi vã với bạn bè hoặc người thân? Nếu có, thì có phải lỗi hay nằm ở họ?
  8. Người khác có đột ngột cắt liên lạc với bạn, và từ chối kết lại mà không một lời giải thích?
  9. Bạn có thường thấy mình bất lực, và có rất ít cơ hội để cải thiện cuộc sống?

Nếu trả lời “có” với đa số các câu trên, thì có lẽ vấn đề nằm ở chính bạn. Lưu ý rằng chỉ cần thừa nhận mình mang những đặc tính ái kỷ, là bạn đã tiến xa hơn rất nhiều người ái kỷ khác.

Như đã nêu trên, ái kỷ đôi khi là một dạng rối loạn tâm thần lâm sàng, và nó nổi tiếng là khó điều trị. Chưa có một liệu pháp dài hạn nào được chứng minh hiệu quả, và hầu như các phương pháp hiện tại đều đòi hỏi nỗ lực và sự cam kết lâu dài. Nói tóm lại, nếu mắc chứng ái kỷ mãn tính, thì điều trị nó là một hành trình dài mà bạn sẽ cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm thần.

Nhưng nếu bạn chỉ có một vài đặc điểm của ái kỷ, thì bạn có thể tham khảo một vài cách để hạn chế chúng bộc phát. Sau cùng thì bản chất của ái kỷ là niềm tin bạn đặc biệt, và nên được đối xử khác biệt so với số đông. Để “giải độc” suy nghĩ này rất đơn giản - bạn chỉ cần chấp nhận rằng mình không hề đặc biệt tí nào (tuy nhiên cái này nói thì dễ hơn làm).

Thực tế bạn hoàn toàn bình thường, và điều đó hoàn toàn ổn. Bạn không cần phải đặc biệt về một khía cạnh nào đó để trở nên đáng giá và sống cuộc đời có ý nghĩa. Thay vì thêu dệt 7749 câu chuyện để thuyết phục bản thân rằng mình đặc biệt, bạn hãy cứ tiếp tục sống và đừng dán cho mình bất cứ cái nhãn nào.

08aug2023antonys3i6xyyjscmunsplashjpg
Bạn hoàn toàn bình thường, và điều đó hoàn toàn ổn. | Nguồn: Unsplash

Bạn không biết mình có đặc biệt hay không - không sao cả, dù gì bạn cũng sẽ cố gắng hết sức. Bạn không biết mình có là nạn nhân của cái gì đó hay không - cũng không sao cả, bạn sẽ vượt qua và đứng vững trở lại. Bạn không biết mình xứng đáng được đối xử tốt hay tệ - cũng không vấn đề gì, bởi đằng nào bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Cố gắng tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé, giản đơn của cuộc sống. Cảm thấy biết ơn mỗi sáng bạn thức dậy, cảm nhận vẻ đẹp trong những tia nắng ban mai chiếu lên ô cửa sổ hoặc cửa kính ô tô. Nếu có thể, thường xuyên hỏi thăm những người xung quanh bạn.

Bạn không được “định hình” để trở nên vĩ đại. Thế nên đừng gồng lên để chứng minh bạn ưu việt hơn người khác nữa, và ngừng than phiền về việc thế giới đã bất công với bạn thế nào. Tất cả những gì bạn cần làm là hít một hơi thật sâu, làm việc của bạn và sống như mọi người khác trên đời.