Decision fatigue: Khi quá nhiều quyết định là một gánh nặng | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 07, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Decision fatigue: Khi quá nhiều quyết định là một gánh nặng

Decision fatigue xảy ra khi bạn đã đến giới hạn trong việc đưa ra quyết định. Vậy đây là triệu chứng gì và làm cách nào để vượt qua nó?
Decision fatigue: Khi quá nhiều quyết định là một gánh nặng

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Mỗi ngày, con người phải đối mặt với việc đưa ra hàng loạt quyết định, từ việc nhỏ như ăn gì, mặc gì, thức khuya để cày phim hay ngủ sớm, đến những quyết định lớn liên quan tới công việc và tài chính cá nhân.

Có bao giờ bạn nhận thấy mình trở nên kém minh mẫn hơn vào những ngày bị "nhấn chìm" trong các lựa chọn không? Đây là ảnh hưởng của decision fatigue, chứng mệt mỏi khi đưa ra quá nhiều quyết định.

Decision fatigue là gì?

Decision fatigue là sự suy giảm khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và lành mạnh sau khi bạn phải đưa ra quá nhiều quyết định trước đó.

Theo nghiên cứu, trung bình mỗi ngày một người lớn đưa ra khoảng 35,000 quyết định, mà trong đó có đến 226 quyết định chỉ dành cho việc ăn uống. Càng về sau, các quyết định của chúng ta càng trở nên thiếu cân nhắc và cảm tính hơn, nếu năng lượng đã dồn hết vào những quyết định trước đó.

Vì sao chúng ta mắc phải decision fatigue?

Não bộ sẽ “đi tắt” khi bị quá tải

Tương tự như việc cơ bắp dần kiệt sức sau khi hoạt động liên tục, não bộ chúng ta cũng trở nên mệt mỏi sau khi đưa ra quá nhiều quyết định. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chúng ta không nhận thức được khi nào não bộ cần nghỉ ngơi để hồi phục năng lượng tinh thần.

decision fatige
Khi quá mệt mỏi, bạn sẽ không còn sức đưa ra những quyết định sáng suốt.

Lúc này, não sẽ sử dụng những “lối tắt” để giải quyết vấn đề nhanh chóng. Đó là:

  • Đưa ra quyết định chóng vánh mà thiếu cân nhắc
  • Phớt lờ hoặc trì hoãn các quyết định

Những lối tắt này thường giúp thỏa mãn cảm xúc nhất thời hơn là vì lợi ích lâu dài về sau.

Sức mạnh ý chí (willpower) suy giảm sau mỗi quyết định

Sức mạnh ý chí là một yếu tố quan trọng giúp chống lại cám dỗ và những thôi thúc không lành mạnh. Tuy nhiên, đây là một nguồn năng lượng có hạn và sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt.

Khi một người sử dụng quá nhiều sức mạnh ý chí cho một quyết định, họ không thể đưa ra một quyết định khác mà vẫn sử dụng ngần ấy sức mạnh ý chí được. Hiện trạng này còn được gọi là ego depletion (tạm dịch: suy giảm bản ngã).

Ví dụ như khi đang giảm cân, bạn ăn bữa sáng và bữa trưa lành mạnh, từ chối một món ăn vặt khi được đồng nghiệp mời trong giờ làm. Nhưng đến khi trở về nhà vào buổi tối, bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng và đặt đồ ăn nhanh thay vì tự nấu. Đó là vì bạn đã sử dụng quá nhiều sức mạnh ý chí để giữ bản thân khỏi cám dỗ trong suốt giờ làm.

Ảnh hưởng của decision fatigue?

Dễ dàng bị thao túng trong các quyết định

Khi mua sắm, chúng ta thường phải cân nhắc giữa các sản phẩm với mức giá và khuyến mãi khác nhau. Sau khi liên tục lựa chọn, sức mạnh ý chí của chúng ta suy giảm, khiến chúng ta dễ bị lừa bởi mánh khoé quảng cáo và dẫn đến mua sắm bốc đồng (impulsive buying).

decision fatige
Mất đi sức mạnh của ý chí, bạn dễ dàng bị những mánh khóe dắt mũi.

Mua sắm bốc đồng là hành vi hấp tấp, thiếu kế hoạch để đạt được niềm vui và thoả mãn. Nó xảy ra khi mong muốn sở hữu thấp hơn ý chí kháng cự.

Đây cũng là lý do những đồ ăn vặt thường được đặt gần quầy thu ngân hơn. Khi tính tiền, bạn đã đưa ra rất nhiều quyết định trước đó và có xu hướng lấy món đồ này dù không nằm trong dự kiến.

Thiếu cân nhắc trước những đánh đổi ngắn hạn và dài hạn

Dưới ảnh hưởng của decision fatigue, bạn cũng thường đưa ra những quyết định tiện lợi hơn trong ngắn hạn, nhưng lại có hại về sau.

Chẳng hạn vào buổi tối, sau khi bạn đã dành cả ngày tiêu hao chất xám vào công việc, bạn sẽ có khuynh hướng lựa chọn ăn ngoài cho nhanh và đỡ cồng kềnh, thay vì về nhà nấu ăn - điều có lợi về mặt chi phí và sức khỏe trong lâu dài.

Trì hoãn, né tránh việc đưa ra quyết định

Decision fatigue diễn ra khi não bộ cần được phục hồi năng lượng. Vì vậy, thay vì tập trung giải quyết vấn đề hiện có, chúng ta có xu hướng trì hoãn và né tránh các lựa chọn khi cảm thấy mệt mỏi.

Ví dụ sau khi dự ba buổi họp liên tục, bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng ở buổi họp cuối. Nhưng bởi hai buổi họp trước đã ngốn quá nhiều năng lượng, bạn tìm cách lảng tránh quyết định ở cuộc họp thứ ba.

Cách vượt qua decision fatigue?

Tinh giản các quyết định có rủi ro thấp

Giáo sư mảng Tiếp thị thần kinh (neuromarketing) Prince Ghuman giải thích bên cạnh những quyết định mang tính trực giác, não bộ của con người có thể xử lý khoảng 75 quyết định cần suy nghĩ và phân tích kỹ càng trong ngày.

Để tiết kiệm năng lượng cho những vấn đề lớn, bạn có thể lược bỏ đắn đo về trang phục đi làm hay hôm nay ăn gì bằng cách xếp sẵn quần áo từ hôm trước hoặc lên thực đơn một lần cho cả tuần.

Đưa ra quyết định quan trọng vào buổi sáng

Theo nghiên cứu sinh María Juliana Leone và Mariano Sigman, khả năng đưa ra quyết định sẽ giảm dần trong ngày.

Vào buổi sáng, bạn sẽ tốn nhiều thời gian để đưa ra quyết định nhưng chúng có xu hướng chính xác hơn. Buổi tối chính là lúc não bộ bị quá tải thông tin và cần được nghỉ ngơi, vậy nên đừng bắt chúng làm việc quá sức.

Khi não bộ được nghỉ ngơi và hồi phục sau giấc ngủ, chúng sẽ dần loại bỏ những thông tin không quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác

Khi đối diện một vấn đề, bạn có thể hỏi kinh nghiệm của người khác để tránh phải cân nhắc quá nhiều sự lựa chọn.

Chẳng hạn như khi không biết chuẩn bị gì cho bữa ăn kế tiếp, bạn có thể hỏi bạn cùng phòng lựa chọn của họ. Hoặc khi cần sửa máy tính của mình, hãy hỏi một người bạn có kinh nghiệm để không phải đắn đo.

decision fatige
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác cũng là giải pháp đáng cân nhắc khi bị bủa vây bởi những quyết định.

Bổ sung glucose trong ngày

Theo nghiên cứu, glucose có tác dụng tích cực trong việc phục hồi sức mạnh ý chí và khả năng kiểm soát, bằng cách duy trì lượng đường trong máu, từ đó hỗ trợ bạn trong quá trình đưa ra quyết định. Những loại thực phẩm giàu glucose bao gồm nước chanh, sô cô la, chuối, các loại hạt…

Có những thói quen cố định

Khi một hành động lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành “nếp”, não sẽ đi vào chế độ “tự lái” (auto-pilot) nhằm tiết kiệm năng lượng cho bạn. Giống như đánh răng vào mỗi buổi sáng, bạn có thể vận hành nó mà không cần dùng quá nhiều não.

Thời gian đi ngủ, ngày tập thể dục trong tuần, nơi mua thức ăn là những quyết định mà bạn có thể đưa vào khuôn khổ để giúp não quen dần, từ đó dùng ít năng lượng để xử lý hơn.