Cái chết của Silicon Valley Bank có phải khởi đầu của khủng hoảng mới? | Vietcetera
Billboard banner

Cái chết của Silicon Valley Bank có phải khởi đầu của khủng hoảng mới?

Không một ai nghĩ rằng một ngân hàng mà mới tuần trước còn được xướng danh là “ngân hàng của năm” lại có thể tan vỡ ngay trong tuần kế tiếp.
Cái chết của Silicon Valley Bank có phải khởi đầu của khủng hoảng mới?

Nguồn: Getty Images

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 10/3, Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng thương mại trong mảng công nghệ, y tế, và khởi nghiệp tại Mỹ - đã bị giới chức California đóng cửa. Tất cả tài sản của ngân hàng này sẽ được tiếp quản bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ nhằm thực hiện các thủ tục hoàn trả tiền cho các doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân đã gửi tài sản tại đây.

Các chuyên gia coi đây là vụ sập ngân hàng lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngân hàng SVB thành lập từ năm 1983, và tính tới cuối năm 2022 ngân hàng này có tổng tài sản ước tính vào khoảng 212 tỷ USD, tương đương với hơn một nửa quy mô nền kinh tế Việt Nam trong cùng giai đoạn.

2. SVB đã sụp đổ thế nào?

Giống như mọi cuộc khủng hoảng tài chính khác, cú sốc mang tên SVB tới trong sự bất ngờ, bởi nó diễn ra quá nhanh. Không một ai nghĩ rằng một ngân hàng mà mới tuần trước còn được xướng danh là “ngân hàng của năm” lại có thể tan vỡ ngay trong tuần kế tiếp.

Vào ngày 8/3, công ty mẹ của SVB thông báo rằng họ đã lỗ 1,8 tỷ USD và sẽ phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu để củng cố tình hình kế toán. Thông tin này thực ra không quá tồi tệ, nhưng trong cùng ngày hôm đó, SVB bị hạ bậc tín nhiệm, khiến cho các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm lo sợ và ồ ạt rút tiền, còn nhà đầu tư thì bán tháo cổ phiếu.

17mar2023image20230317165602560png
Giá cổ phiếu của SVB Financial Group giảm mạnh trước khi phải ngừng giao dịch. | Nguồn: Google Finance

Những cuộc điện thoại cầu cứu cũng như những phát ngôn mang tính xoa dịu của lãnh đạo SVB đã không thể ngăn làn sóng hoảng loạn. Tính đến cuối ngày 9/3, ngân hàng này đã phải trả khoảng 42 tỷ USD cho khách hàng. Cổ phiếu SVB mất 60% giá trị thị trường trong ngày 10/3 và buộc phải ngừng giao dịch.

3. Tại sao một ngân hàng lại có thể tan biến nhanh vậy?

Nói một cách ngắn gọn, sự sụp đổ của SVB tới từ việc mất thanh khoản, tức là không thể chuyển đổi tài sản thành tiền mặt. Ẩn dưới đáp án ngắn gọn này là những nguyên nhân khác nhau, cả trực tiếp lẫn sâu xa, và cả khách quan từ nền kinh tế Mỹ lẫn chủ quan từ phía SVB.

Nguyên nhân trực tiếp là do chính sách đầu tư và khả năng quản lý rủi ro của SVB không tốt. Việc dùng nguồn vốn ngắn hạn (tức tiền gửi khách hàng) để đầu tư dài hạn vào trái phiếu đã cho thấy rủi ro chênh lệch kỳ hạn và rủi ro thanh khoản, chính là số tiền mà công ty mẹ của SVB báo lỗ.

Ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng, và sử dụng tiền đó để đầu tư vào những kênh đầu tư an toàn, mà trong đó trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp chiếm một phần không nhỏ. Việc đầu tư vào trái phiếu trong giai đoạn 2020-2022 là hợp lý do lãi suất khi đó rất thấp nên giá trái phiếu cao.

Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất để đối phó với lạm phát đã khiến trái phiếu giảm giá trị, trở thành một khoản đầu tư càng giữ thì càng lỗ bởi giá trị của chúng giảm dần đều. Đồng thời, lãi suất tăng nhanh còn khiến dòng tiền đổ vào các công ty công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp giảm. Do đó, các công ty và doanh nghiệp này phải rút tiền gửi tại SVB để trang trải các chi phí.

17mar2023cbsnfusionfederalreserveissueseighthconsecutiveinterestratehikethumbnail1677240640x360jpg
8 lần tăng lãi suất liên tục của Fed có tác dụng chống lạm phát, nhưng gây ra nhiều xáo trộn trong nền kinh tế. | Nguồn: CBS News

Ngân hàng vì thế phải bán trái phiếu, nhưng càng bán thì càng lỗ sâu nên phải lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Việc huy động vốn bất thường báo hiệu rằng ngân hàng đang dần cạn tiền, và điều này trở thành “red flag” khiến các bên rút tiền hàng loạt.

Một nguyên nhân khác là bởi SVB không làm tốt việc đa dạng hóa nguồn tiền. Nếu như các ngân hàng thương mại khác huy động phần lớn vốn từ tiền gửi dân cư và sau đó là tiền gửi doanh nghiệp, thì ngân hàng của thung lũng Silicon lại chủ yếu nhận tiền từ doanh nghiệp công nghệ và các quỹ đầu tư mạo hiểm - những nguồn vốn không ổn định. Như thực tế vụ việc đã cho thấy, chúng có thể bị rút trong chớp mắt.

Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của SVB quá tập trung vào lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và dịch vụ y tế; khiến ngân hàng này trở thành một ngân hàng ngách. Khi nền kinh tế có sự điều chỉnh, những ngành này chịu biến động lớn, và sự suy giảm tăng trưởng gián tiếp gây ra sự sụp đổ của SVB.

4. Hệ quả đầu tiên và lớn nhất của sự việc với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu?

Hệ quả đầu tiên là lớn nhất là nhiều người gửi tiền tại SVB sẽ mất tài sản. Trong tổng số 175 tỷ USD gửi tại SVB vào thời điểm đóng cửa, chỉ 13% trong số đó là có bảo hiểm tiền gửi. Và kể cả khi có bảo hiểm tiền gửi, thì khách hàng chỉ được bồi thường tối đa 250 ngàn USD từ ngày 13/3.

Còn với những ai không có bảo hiểm thì sẽ phải chờ đợi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ bán tài sản của SVB. Điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đơn giản vì cái chết của SVB khiến họ không còn tiền để trang trải các chi phí cơ bản, ví dụ như lương nhân viên.

17mar2023skynewssvbsiliconvalley6087639jpg
Người dân xếp hàng trước cửa trụ sở SVB tại Anh. | Nguồn: AP

Ở cái nhìn toàn cảnh, sự việc ảnh hưởng tới tâm lý của người gửi tiền và nhà đầu tư, khiến họ cẩn trọng hơn. Sự việc cũng sẽ tác động tới thị trường theo cả những hướng tích cực lẫn tiêu cực, đồng thời khiến cho Fed phải xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình.

Với thị trường tài chính Mỹ, có lẽ việc đóng cửa SVB sẽ không gây ra một hiệu ứng domino, bằng chứng là những ngân hàng lớn tại Mỹ như JP Morgan Chase hay Bank of America đang nhận thêm nhiều tiền gửi hơn, và cũng bởi vì SVB chỉ là một ngân hàng đặc thù với một nhóm khách hàng đặc thù.

Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là với những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ. Sau khi SVB sập, hai ngân hàng khác là Signature Bank và First Republic Bank cũng phải chịu những đợt rút tiền ồ ạt. Nếu First Republic Bank may mắn được nhận 30 tỷ USD hỗ trợ từ các ngân hàng khác để chi trả cho khách hàng, thì Signature Bank đã gục ngã và chịu chung số phận với SVB.

17mar2023signaturebankjpeg
Signature Bank là một mắt xích quan trọng với nền kinh tế crypto tại Mỹ. | Nguồn: Forbes

Đối với thị trường tài chính toàn cầu, sự việc này không có nhiều tác động tới bối cảnh chung, ngoài một vài đợt giảm nhẹ trong chỉ số chứng khoán và một vài biến động ngắn hạn. Ngoại trừ trường hợp Ấn Độ và Anh, nơi SVB có trụ sở và có ảnh hưởng lớn với nền kinh tế khởi nghiệp, thì thị trường toàn cầu không tỏ ra quá lo sợ.

5. Liệu đây có phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng như 2008?

Sự sụp đổ của SVB khiến nhiều người lo ngại và liên tưởng tới cuộc khủng hoảng năm 2008 bởi những nét tương đồng trong sự thất bại của hệ thống tài chính, ngân hàng, và tiền tệ. Các chuyên gia thì không nghĩ như vậy.

Trước hết, nguồn cơn của cuộc khủng hoảng năm 2008 không chỉ là vấn đề của ngân hàng và tiền mặt, mà còn bởi bong bóng bất động sản. Khi ấy, tất cả những sự việc đều có liên hệ với nhau. Trường hợp của SVB vào thời điểm hiện tại không phải là hệ quả của một chuỗi suy thoái kéo dài, mà chỉ là một trường hợp đơn lẻ.

Bất chấp tất cả những gì đã xảy ra với SVB, giới đầu tư vẫn đánh giá cao hệ thống tài chính của Mỹ, và rủi ro lan rộng tới thời điểm này là không cao và không quá rõ rệt. Dù tâm lý lo ngại đang bao trùm, nhưng nền tảng của các ngân hàng thì tốt hơn rất nhiều so với thời điểm 2008.