5 Thuật ngữ về bệnh STD giúp bạn không còn âu lo | Vietcetera
Billboard banner

5 Thuật ngữ về bệnh STD giúp bạn không còn âu lo

Ít ai ngờ rằng, ung thư cổ tử cung lại bắt nguồn từ một con vi rút lây truyền qua đường tình dục.
5 Thuật ngữ về bệnh STD giúp bạn không còn âu lo

Nguồn: Ron Lach @ Pexels

STD (sexually transmitted diseases) là thuật ngữ chỉ các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay còn gọi là “bệnh xã hội”. Theo WHO, có khoảng hơn 30 chủng vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng được ghi nhận lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS, lậu, giang mai và sùi mào gà (1).

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 90% các ca ung thư cổ tử cung do HPV gây ra (2). Dù vậy HPV hầu như không gây ra triệu chứng gì khi xâm nhập cơ thể, và chỉ tiến triển thành ung thư trong một số trường hợp.

Vậy làm thế nào để hạn chế các bệnh STD? Có phải cứ dừng quan hệ tình dục là sẽ không nhiễm nữa? Cùng tìm hiểu qua một số thuật ngữ dưới đây nhé.

1. STI (sexually transmitted infection)

Thuật ngữ này chỉ hiện tượng một người bị nhiễm vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng từ bạn tình sau khi quan hệ tình dục. Nó thường xảy ra khi hai người quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp (như bao cao su hoặc thuốc ngừa/vaccine).

Theo CDC, cứ 5 người ở Mỹ thì có một người mắc STI, tập trung chủ yếu ở độ tuổi 15-24 (3). Các thành phần lây truyền chủ yếu bao gồm vi khuẩn (gây bệnh lậu, giang mai), vi rút (HIV, HPV, herpes) và ký sinh trùng (trichomonas).

STI và STD thường bị nhầm lẫn với nhau, nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ người nhiễm có triệu chứng hay không. Một người có thể mắc STI mà không có biểu hiện gì, thậm chí tự hết sau khoảng 1-2 năm. Nhưng khi vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng gây ra các triệu chứng bệnh lý hoặc biến chứng khác, thì người đó đã mắc bệnh STD.

Chẳng hạn bạn có thể nhiễm vi rút herpes sau quan hệ tình dục mà không có triệu chứng. Nhưng khi xuất hiện mụn nước hoặc chảy dịch từ vùng kín, hoặc đau buốt khi đi tiểu, thì bạn mới bị mắc bệnh sinh dục do vi rút herpes.

2. HPV test

Đây là phương pháp xét nghiệm đơn giản giúp phát hiện HPV trong cơ thể. Để thực hiện, bác sĩ sẽ lấy mẫu từ bề mặt cổ tử cung, rồi phân tích trong phòng thí nghiệm để phát hiện HPV.

Cần phân biệt phương pháp này với Pap test - một xét nghiệm phổ biến khác dùng tầm soát ung thư cổ tử cung. Phương thức lấy mẫu của 2 xét nghiệm này giống nhau, song sự khác biệt nằm ở cách phân tích mẫu. Pap test “soi” mẫu để tìm tế bào bất thường trong biểu mô cổ tử cung, còn HPV test để phát hiện HPV.

Tần suất làm HPV test phụ thuộc vào độ tuổi hoặc tiền sử bệnh lý của bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm cả hai xét nghiệm trên cùng lúc (co-testing).

alt
HPV test là xét nghiệm tương đối đơn giản giúp phát hiện vi rút này. | Nguồn: Getty Images

3. Pre-Exposure Prophylaxis (PrEP)

Thuật ngữ này thường được dịch là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV” trong tiếng Việt. Đây là phương pháp sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để phòng chống lây nhiễm HIV cho người âm tính, nhưng có các hành vi nguy cơ lây nhiễm cao.

Những người được khuyến nghị dùng PrEP hàng ngày bao gồm người lao động tình dục, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW) và bạn tình của người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, để tăng thêm “rào chắn”, những đối tượng này có thể được kê thêm thuốc PrEP tình huống (ED-PrEP) trong vòng 24-48 giờ trước và sau khi quan hệ tình dục.

4. Post-Exposure Prophylaxis (PEP)

Ngược với PrEP là phương pháp “phòng cháy” thì PEP là loại thuốc “chữa cháy”, tức điều trị cho người có nguy cơ đã bị phơi nhiễm HIV. Nói một cách dễ hiểu, nếu phát hiện bạn tình dương tính HIV sau khi đã quan hệ, hoặc đơn giản là… ngồi phải cái ghế có kim tiêm trong rạp, thì đây là phương pháp dành cho bạn.

Một “truyền thuyết” ta thường nghe là nếu chẳng may bị phơi nhiễm HIV, thì chúng ta xác định… xong phim. Trên thực tế, nếu nhận ra điều này trong vòng 72 tiếng sau phơi nhiễm, bạn vẫn còn cơ hội âm tính. Bởi trong thời gian này vi rút chưa “cắm” được cái gốc của nó vào cơ thể, nếu uống thuốc PEP bạn vẫn có thể xóa sổ nó.

Sau khi được kê thuốc PEP, bạn phải uống nó vào một giờ cố định mỗi ngày trong vòng 28 ngày tiếp theo. Theo CDC, PEP có thể gây một số tác dụng phụ, nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau khoảng 1-2 tuần.

5. Sexual abstinence

Sexual abstinence, hay tiết dục là việc né tránh hoàn toàn các hành vi quan hệ tình dục trong một thời gian. Người ta có thể tiết dục vì lý do sức khỏe, tôn giáo, hoặc đơn giản vì muốn nghỉ ngơi một thời gian trước khi vào lại “cuộc chơi”.

Theo WebMD, một số người “ăn kiêng” bằng cách bỏ quan hệ tình dục qua cả đường âm đạo, hậu môn và miệng. Nhưng cũng có người chỉ né tránh một (hoặc hai) trong ba kiểu trên (4).

08aug2023nadineshaabanamf3f8dgrgunsplashjpg
Người ta có thể “ăn kiêng” tình dục ở nhiều hình thức khác nhau. | Nguồn: Unsplash

Cần lưu ý việc tiết dục có thể phòng tránh mang thai, nhưng không ngăn được hoàn toàn nguy cơ mắc STI. Bởi một số loại vi rút, bao gồm HPV, có thể lây qua các tiếp xúc tình dục không xâm nhập (như khẩu dâm hoặc tiếp xúc da thịt).

Vì vậy kể cả khi đang “bế quan”, bạn vẫn nên tìm hiểu về cách phòng tránh những bệnh này, và mang theo bao cao su phòng khi muốn “mở cửa” sớm hơn dự định.

Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.

HPV là virus gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.

Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục).
VN-GSL-00578 12012026


Tài liệu tham khảo:

(1) WHO (2023), ‘Sexually transmitted infections (STIs)’. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/sexually-transmitted-infections-(stis)

(2) CDC (2023), ‘Cancers caused by HPV’. Available at: https://www.cdc.gov/hpv/parents/cancer.html

(3) CDC (2021), ‘CDC estimates 1 in 5 people in the U.S. have a sexually transmitted infection’. Available at: https://www.cdc.gov/nchhstp/newsroom/2021/2018-STI-incidence-prevalence-estimates-press-release.html

(4) WebMD (2023), ‘What Is Abstinence?. Available at: https://www.webmd.com/sex/what-is-abstinence