5 Điều Wikipedia không nói cho bạn về Thảo Trang, tác giả Tết ở làng Địa Ngục | Vietcetera
Billboard banner

5 Điều Wikipedia không nói cho bạn về Thảo Trang, tác giả Tết ở làng Địa Ngục

Liệu tác giả truyện kinh dị có sợ truyện kinh dị?
5 Điều Wikipedia không nói cho bạn về Thảo Trang, tác giả Tết ở làng Địa Ngục

Nguồn: Have a Sip

Đến thời điểm này, có lẽ không ai có thể phủ nhận độ thành công của Tết ở làng Địa Ngục. Cốt truyện lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, đội ngũ hóa trang vô cùng “tâm huyết” trong việc hù dọa khán giả - tất cả đã khiến cho bộ phim vượt mặt cả những bom tấn nước ngoài, ghi dấu ở top 1 trên nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến ngay sau khi ra mắt.

Có lẽ ít người biết rằng nhà văn Thảo Trang - người quyền lực nhất của đoàn làm phim - từng nghĩ rằng sách của mình còn chưa chắc được xuất bản. Bên cạnh thành tích khủng của bộ phim, liệu tác giả Thảo Trang còn có những chia sẻ gì liên quan đến đứa con tinh thần đầu tay của mình?

1. Sức ép của Thảo Trang khi cuốn sách đầu tay trở thành “cú hit”?

Thành thật mà nói, sức ép mà Trang chịu có một phần đến từ… phụ huynh. Mẹ của Trang đã dọa sẽ gạch tên mình ra khỏi sổ hộ khẩu nếu phần 2 mình không cho những nhân vật bà yêu thích sống lại *cười*.

2. Vì sao Thảo Trang lại chọn sáng tác truyện ma?

Trước đây, mình từng làm việc ở một khu phân xưởng với vị trí liên quan nhiều đến những con số. Khách hàng của mình đến từ rất nhiều nơi trên thế giới như Hàn, Nhật, Trung Quốc, Nga và Châu Âu. Nếu có một điểm chung nào đó khiến Trang bất ngờ đó chính là mọi người đều có một niềm đam mê mãnh liệt với truyện ma Việt Nam.

Ngoài ra, tính chất công việc phải liên tục nghĩ đến những con số khiến mình thấy tâm hồn có hơi cằn cỗi. Lúc đó, mình chọn kể chuyện ma cốt để cho bản thân… đỡ buồn. Bởi truyện ma là món ăn tinh thần rất bình dân và thân thuộc. Ai ở Việt Nam cũng có thể kể chuyện ma từ bà, từ mẹ, thậm chí là từ bác hàng xóm.

3. Liệu Thảo Trang có sợ truyện ma do mình viết?

So với câu chuyện mình nghĩ ra, mình cảm thấy mức độ sống động của những xác chết khi lên phim… kinh dị hơn. Mình đã từng cảm thán với anh Trần Hữu Tấn (đạo diễn phim Tết ở làng Địa Ngục) rằng có nhất thiết phải làm kinh dị như thế không.

4. Thức uống của Thảo Trang khi sáng tác?

Đối với mình đó là trà nhài. Đây cũng là một thức uống quen thuộc trong mùa đông Hà Nội. Thành thật mà nói Trang cũng không có lý do sâu xa gì khi chọn trà nhài ngoài việc nó đem lại cho bản thân cảm giác thoải mái.

5. “Vũ trụ” kinh dị của Thảo Trang còn có những sản phẩm gì?

  • Sắp tới Tết ở làng Địa Ngục sẽ có boardgame.
  • Bộ phim chiếu rạp Kẻ ăn hồn sẽ có tiểu thuyết.
  • Bên cạnh Tết ở làng Địa Ngục, Trang có một cuốn sách khác có tên Ngủ cùng người chết cũng thuộc thể loại kinh dị. Yếu tố kinh dị là “lớp áo” mình dùng để khoác lên những vấn nạn mà bản thân muốn phản ánh. Nếu Tết ở làng Địa Ngục là tâm lý bầy đàn thì Ngủ cùng người chết là vấn nạn buôn người ở biên giới.


    Để có thể biết thêm về nhà văn Thảo Trang và hành trình của cô đằng sau Tết ở làng Địa Ngục, bạn có thể đón xem Have a Sip trên kênh YouTube của Vietcetera hoặc Spotify.